THÔNG BÁO HỌP PHỤ HUYNH

THEO KẾ HOẠCH CỦA NHÀ TRƯỜNG VÀO SÁNG CHỦ NHẬT TUẦN NÀY (11/01/2009) KÍNH MỜI PHỤ HUYNH LỚP 12D ĐẾN TẠI TRƯỜNG THPT NGHI LỘC 3 ĐỂ HỌP PHỤ HUYNH ĐÂY LÀ BUỔI HỌP RẤT QUAN TRỌNG KÍNH MONG PHỤ HUYNH CÓ MẶT ĐẦY ĐỦ VÀ ĐÚNG GIỜ.

GVCN.

Thầy Ngô Sỹ Hoàng và Các em

Các em yêu quý vậy là một mùa xuân nữa sắp về khoảng thời gian mà thầy trò mình xa nhau lại càng dài thêm, nó đã nối sự nhớ nhung của thầy với các em thêm sâu đậm vì công việc các em và thầy đã chưa một lần gặp nhau kể từ ngày chia tay đầy lưu luyến dưới mái trường Phổ thông. Thầy không trách móc gì các em bởi cuộc sống là như vậy. Nhưng thầy muôn đây sẽ là nơi thầy trò mình gặp nhau và tuyền hơi ấm tình thương mà đã bao lâu nay thầy trò ta đang còn thiếu. Hãy dành một chút thời gian quý báu của mình để ghi lại lời nhắn trên Blog của thầy các em nhé.

Thương yêu.

ĐỪNG LÀM RỐI “LÀN SÓNG” ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

(Dân trí) – Bộ GD-ĐT đang vận động toàn ngành đổi mới phương pháp dạy học, rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã hiến kế góp ý. Nhưng, những ý tưởng đó hầu như không thống nhất, thậm chí còn khá… kỳ cục, làm cho công cuộc đổi mới thêm rối.

 

“Đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông không phải là một mong muốn chủ quan, một phong trào quần chúng với sự tự nguyện hoặc không mà là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có cơ sở pháp lý, lý luận, thực tiễn đối với mọi trường học, mọi giáo viên” – TS Vũ Ngọc Anh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ quan điểm về “làn sóng” đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) đang được Bộ GD-ĐT vận động trong toàn ngành như vậy.

Cũng theo TS Anh, đổi mới PPDH một thách thức mà giáo dục Việt Nam nhất thiết phải vượt qua để góp phần khắc phục những biểu hiện trì trệ nghiêm trọng hiện nay và tham gia được vào “sân chơi” quốc tế về phương pháp giáo dục.

Bộ GD-ĐT đã xác định chủ đề của năm học 2009-2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”. Cũng chính vì thế, những nhà quản lý giáo dục đang rất vất vả hàng ngày, hàng giờ trong việc đầu tư suy nghĩ để làm thế nào để thực sự đổi mới được PPDH.

Nhưng, các ý tưởng hiến kế cho đổi mới hiện nay không thống nhất, thậm chí còn khá… kỳ cục. Việc đổi mới thế nào vẫn đang là vấn đề vô cùng gian nan.
 

Để dạy học có hiệu quả, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị

Nếu như ứng dụng công nghệ thông tin được ngành xác định là yếu tố quan trọng giúp việc đổi mới thì tại một giờ học Lịch sử có ứng dụng Công nghệ thông tin tại trường Herman (Đà Lạt) hồi đầu tháng 12 vừa qua, mặc dù cả thầy và trò đều cảm thấy hứng thú với sự giúp đỡ của máy chiếu. Nhưng một chuyên viên của Bộ, sau khi dự giờ đã đưa ra nhận xét khá gay gắt rằng: Việc đổi mới PPDH  không phải là việc trình diễn các máy chiếu và thầy giáo trở thành người mua vui cho học sinh!

Còn tại Hội thảo “Chỉ đạo quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông” được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Nghệ An ngày 3/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Có nhiều thầy cô giáo đã coi thiết bị trình chiếu là vật trang trí cho tiết học nhưng không đem lại lợi ích. Thầy nhàn hơn nhưng trò thì bị nặng nề, mệt mỏi do phải cố gắng nhìn màn hình để chép. Việc đọc chép đã thành nhìn chép!”

Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang) Nguyễn Thiều Quang, cũng cho rằng sử dụng máy chiếu cũng có mặt trái là học sinh không nhớ bài lâu.

Hay như việc đổi mới PPDH phải coi người học là trung tâm, là ở thế chủ động thì Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Ngọc Quang có vẻ hướng tới bàn lùi nhiều hơn khi nhìn nhận, phủ nhận hoàn toàn ưu điểm của phương pháp truyền thống hoặc quá đề cao một phương pháp tích cực nào đó là không được. Ví dụ, nếu coi đổi mới là phải nói thật nhiều, học sinh trả lời thật lắm thì giáo viên đã biến giờ học thành liên tục “hỏi – trả lời” khiến tiết học nặng nề hơn.

Hay như việc tổ chức học theo nhóm thì nhận được nhiều ý kiến chỉ trích là làm thế không sớm thì muộn học sinh cũng sẽ bị… vẹo xương sườn.

Thậm chí, một cách “kỳ cục” hơn, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng sau khi dự giờ tiết Văn (bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”) tại Trường THPT Cửa Lò đã đưa ra yêu cầu: “Giờ giảng phải thổi lửa cho học sinh. Sau bài giảng, phải rút ra vấn đề gì. Ví dụ, bài giảng nói về vẻ đẹp của dòng sông Hương, nhưng giáo viên phải để học sinh sáng tạo và liên tưởng để yêu dòng sông… Lam” (?!).

Cần nhất là sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị

“Việc nhìn nhận cho đúng những tồn tại yếu kém là rất cần thiết, nhưng cái mà đông đảo giáo viên và nhà trường đang rất mong đợi là những quan niệm, những cách làm giản dị, gần với hơn thở của cuộc sống để tự điều chỉnh, tự hoà nhập vào sự tiến bộ.

Nhưng họ lại phải gặp phải không ít những ý kiến quá hàn lâm để phê phán tính hàn lâm, quá chiết tự kinh điển để phê phán sự kinh điển, quá tinh hoa để yêu cầu đối với việc dạy – học cho đại chúng đang từng bước phổ cập, và có khi quá gay gắt đến mức phải chạnh lòng” – PGS Trần Ngọc Giao, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã tâm sự như vậy. Cũng theo ông Giao, để dạy học có hiệu quả, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ giản dị.

Ông Giao có “hiến kế” đổi mới PPDH: “Bốn yếu tố cơ bản tạo ra năng lực nghề nghiệp của giáo viên để giảng dạy có chất lượng, là: Đạo đức nghề nghiệp và sự tận tâm; Kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp; Sáng kiến và sự thích ứng trong hoạt động giáo dục; Giao tiếp và hợp tác với đồng nghiệp và học sinh.

Trong điều kiện của nước ta (và ngay cả nhiều nước giàu hơn ta) phải yêu cầu giáo viên biết vận dụng kết hợp các hiểu biết, kinh nghiệm và các phương pháp khác nhau tuỳ theo yêu cầu, điều kiện và đối tượng cụ thể.

Chẳng hạn, các trường phổ thông ở Hàn Quốc buộc giáo viên luôn phải nhớ rằng trong dạy học cần phải: Làm cho học sinh biết tự học, tự vận dụng; Luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi; Làm cho học sinh biết hợp tác và chia sẻ; Tận dụng sự hỗ trợ của phương tiện dạy học.

Hay như ở Singapore, năm 2005 Bộ Giáo dục đề xướng và Chính phủ tuyên bố triển khai cuộc vận động dạy ít học nhiều, sau một thời gian ngắn bằng sự hiểu biết, sáng kiến, kinh nghiệm và sự tận tâm giáo viên đã tự tìm tòi thực hiện và hiệu quả dạy học đã đạt được những kết quả chưa từng thấy”.

Mai Minh

Những nghành đắt giá

Dự báo mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tới, ngành công nghệ vẫn giữ “phong độ”, kỹ thuật sẽ tăng, còn khối nông – lâm – ngư sẽ “lên ngôi”. Trong khi đó, Y – dược vẫn được xem là ngành đỉnh cao…

Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng cao – Ảnh: Đ.nh Niên).

Chọn ngành học nào để vừa dễ đậu, lại vừa kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp? Đó là băn khoăn của không ít thí sinh (TS) khi mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đang đến gần.

Chúng tôi đã thống kê, phân tích những số liệu có giá trị và lấy ý kiến của các chuyên gia tuyển sinh xung quanh vấn đề này nhằm cung cấp cho TS những thông tin hữu ích khi lựa chọn ngành nghề để dự thi.

Kinh tế có còn chiếm ưu thế?

Trong những năm gần đây, xu hướng đăng ký dự thi của TS thường tập trung vào một số ngành nghề đang dễ kiếm việc làm như kinh tế, tài chính. Đặc biệt, niên khóa 2007 – 2008, ngành học này được rất đông TS lựa chọn.

Tại các trường ĐH có đào tạo ngành kinh tế, số TS đăng ký ngành học này đạt tỷ lệ cao. Do đó, điểm chuẩn ngành kinh tế của các trường ĐH đều ở mức khoảng 21 – 24 điểm như: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, Học viện Tài chính, khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại…

Theo nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh, năm nay nhu cầu đào tạo ngành kinh tế, tài chính vẫn không thay đổi do nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2010, nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá là khoảng 13.500 người. Do nhu cầu tăng, ngành học này vẫn có thể được nhiều TS lựa chọn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hiện có rất nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành tài chính – ngân hàng với quy mô đào tạo tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số sinh viên theo học ngành tài chính – ngân hàng thường chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số sinh viên theo học ĐH, CĐ.

Ví dụ: năm học 2006 – 2007, số sinh viên theo học ngành này chiếm tới 27,32%. Hiện mỗi năm có khoảng 76.000 sinh viên hệ ĐH và 48.000 sinh viên hệ CĐ tốt nghiệp ngành này.

Việc số sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng cũng sẽ tạo áp lực khi tìm việc, bởi các doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng tuyển dụng cũng như đưa ra những yêu cầu cao hơn.

Ngành công nghệ vẫn giữ “phong độ”

Xu hướng TS chọn ngành công nghệ để dự thi thời gian qua vẫn khá phổ biến, do đây là ngành học được nhận định là mũi nhọn trong thời kỳ kinh tế tri thức. Tuy nhiên, không phải cứ học công nghệ là có việc làm vì đây là một ngành học khó, yêu cầu người học phải đạt đến trình độ cao.

Ví dụ: ngành công nghệ thông tin hiện đang rất thiếu nhân lực nhưng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cũng khá cao do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ năm 2001 – 2007, các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại TP.HCM đã đào tạo được 213.000 người, nhưng chỉ sử dụng được 20.100 người (tỷ lệ 9,4%).

Trong đó, nguồn đào tạo của bậc ĐH được sử dụng nhiều nhất: 13.000/15.000 người (87%), bậc CĐ: 3.300/18.000 người (18%). Thấp nhất là các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên: dù đào tạo 180.000 người nhưng số lượng theo nghề là 3.800, chỉ chiếm 2%!

Không chỉ có ngành công nghệ thông tin, trong khối ngành công nghệ còn có nhiều ngành khác những năm qua đã thu hút được lượng TS đăng ký vừa đông lại vừa “tinh”, khiến điểm chuẩn của những ngành này rất cao như: công nghệ điện tử viễn thông, công nghệ hóa học… Có thể thấy, đây là những ngành vẫn giữ được “phong độ” trong mùa tuyển sinh sắp tới.

Ngành kỹ thuật sẽ tăng

Cũng như ngành kinh tế, đa số TS đăng ký dự thi khối A đều có xu hướng chọn các ngành kỹ thuật. Có thể kể một số tên ngành quen thuộc: điện – điện tử, cơ khí, vật lý kỹ thuật, cơ điện tử, điện công nghiệp… Có lẽ đây là những ngành mà TS thấy có triển vọng về việc làm.

Thực tế, đây là những ngành được đánh giá là chủ lực ở một số địa phương khi thực hiện công nghiệp hóa. Vì vậy, những năm vừa qua các ngành này có mức điểm chuẩn tương đối cao, khoảng 20 điểm.

Điểm đáng chú ý là ngành học này được đào tạo với nhiều chuyên ngành hẹp giúp TS dễ dàng cân nhắc khi khai hồ sơ đăng ký dự thi.

Ví dụ, ngành cơ khí, được các trường đào tạo theo nhiều hướng khác nhau như cơ khí chế tạo (trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM); cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực (trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM); cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản chế biến thực phẩm (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM); cơ khí tàu thuyền, cơ khí điện tử (trường ĐH Thủy sản); cơ khí chuyên dùng (trường ĐH Giao thông vận tải)…

Trong nhóm ngành này có một số trường, một số ngành mà điểm chuẩn trong những năm gần đây thường thấp hơn 20 điểm như kỹ thuật địa chất, kỹ thuật nhiệt, trắc địa, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật in, kỹ thuật công nghiệp…

Theo kinh nghiệm của các nhà tuyển sinh thì năm nay số TS đăng ký khối kỹ thuật có khả năng sẽ tăng do lượng TS dự thi khối A sẽ chọn kỹ thuật thay cho kinh tế, một ngành có thể nhận định là nhu cầu đào tạo đã tương đối ổn định.

Khối nông – lâm – ngư lên ngôi

Năm 2008, nhóm ngành học này đã được TS để ý vì đây là ngành học đang thiếu nhân lực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm cần phải đào tạo nghề cho 1 đến 1,1 triệu lao động nông thôn.

Trong giai đoạn từ nay đến 2015 cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho một số ngành có lợi thế cạnh tranh ở thị trường trong nước và thế giới như: chế biến lúa gạo, rau quả, chè, cà phê, cao su, gỗ, thịt, thủy sản…

Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy ở vùng núi, nông thôn, số TS trúng tuyển ĐH, CĐ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng dần nhưng số TS vào học các khối nông – lâm – ngư không nhiều, chỉ chiếm khoảng 4,7%.

Có lẽ do nhận thức được nhu cầu về nhân lực của ngành học này, năm vừa qua một số trường đào tạo nông – lâm – ngư đã thu hút được đông đảo lượng TS đăng ký dự thi. Bằng chứng là tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của những ngành thuộc nhóm này đang ngày càng tăng.

Năm 2005, điểm chuẩn của ngành nuôi trồng thủy sản của ĐH Cần Thơ là 19 điểm với tỷ lệ chọi là 1/17,4, trong khi các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn 3 – 4 điểm.

Năm 2008, trường ĐH Lâm nghiệp cũng bất ngờ với hơn 14.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, tăng gần 6.000 bộ so với năm trước và nhiều nhất từ trước tới nay, kể cả trong thời kỳ “hoàng kim” của trường (cũng chỉ đạt 11.000 bộ). Do đó điểm chuẩn của trường cũng tăng lên đáng kể, có ngành tăng 2-3 điểm.

Y-dược vẫn là đỉnh cao

Có lẽ, những năm gần đây, TS đều choáng với mức điểm chuẩn vào hai ngành y và dược. Có năm điểm chuẩn trường ĐH Y Hà Nội lấy đến 29 điểm/3 môn. Trường ĐH Dược thường lấy mức điểm chuẩn khoảng 26 điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho hai ngành học này có mức điểm chuẩn cao là do đây là ngành đang được ưa chuộng và đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác là do chỉ tiêu vào hai ngành này rất ít, số trường đào tạo lại không nhiều, vì thế số TS muốn vào học phải chen chân qua một cánh cửa hẹp khiến cho điểm chuẩn cứ thế tăng cao.

Thiếu hụt nhân sự công nghệ thông tin

Toàn thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và đến năm 2010 con số này sẽ là 3 triệu. Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành phần mềm ngày càng tăng cao, ước tính giai đoạn 2008-2010 cần 12.000 – 15.000 người/năm; giai đoạn 2011 – 2015 cần từ 20.000 – 25.000 người/năm.

Trong khi đó, quy mô đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của VN hiện chỉ đạt 9.000 – 10.000 người/năm. Nếu chỉ tính số sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu tuyển dụng thực tế thì còn thấp hơn.

(Theo Hội Tin học TP.HCM)

Chuyện lạ ở một trường tỉnh lẻ

Chuyện lạ ở một trường tỉnh lẻ

TP – Cuối tuần qua, khi nghe nói một trường học nghèo ở Vĩnh Phúc có đầy đủ tất cả các phòng học bộ môn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng phải ngạc nhiên và cho biết một ngày gần đây sẽ đến tận nơi để xem thực hư.

Tiết học môn Địa lý của HS lớp 9A (là phòng học truyền thống của HS lớp 7C)

Bình dân không thua hiện đại

Trường THCS Khai Quang nằm trên một quả đồi nhỏ ở ven ô thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Dân cư địa phương chủ yếu là nông dân hoặc người lao động phổ thông, dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn.

Thoạt trông, cơ ngơi trường khá khang trang với hai khu nhà điều hành, hai khu lớp học (hai tầng). Tuy nhiên, quan sát kỹ vẫn thấy phảng phất dấu vết con nhà nghèo.

Mô hình trường THCS Khai Quang là một phát hiện của Dự án THCS II (Bộ GD&ĐT). Tại hội thảo “Chỉ đạo, quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông” tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An vừa qua (Tiền Phong đã có bài phản ánh), Dự án THCS II mời cô giáo Phùng Thanh Hương đến dự để giới thiệu cách làm của trường mình.

Nghe xong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân không khỏi ngỡ ngàng. Phó Thủ tướng nói:

“Nếu đúng như cô hiệu trưởng trình bày thì rất tuyệt vời bởi có đủ phòng học bộ môn là điều mà ngay những trường ở các thành phố phát triển như Hà Nội cũng khó mà làm được, huống chi là một trường nghèo!”.

Phó Thủ tướng còn hứa một ngày gần đây sẽ đích thân đến thăm trường để “mục sở thị” một điển hình mà theo Phó Thủ tướng rất cần được nhân rộng.

Trường được xây đã lâu, phòng học tuy rộng nhưng hành lang hẹp. Cửa sổ, cửa ra vào được làm bằng gỗ tạp và mỏng nên vẹo vọ, các khe hở không khít. Bàn ghế thì hầu hết là đồ cũ, lâu ngày lên nước bóng loáng. Hình hài cũ kỹ như vậy nhưng tất cả phòng học đều là phòng học bộ môn.

Trước phòng học đề “Lớp 7A. Phòng học môn Vật lý”, cô Phùng Thanh Hương, hiệu trưởng, giải thích với phóng viên Tiền Phong:

“Phòng học này giao cho cô giáo chủ nhiệm và học sinh lớp 7A quản lý. Đây cũng là phòng học môn vật lý. Tất cả các thiết bị dạy học môn vật lý của nhà trường được đặt cuối phòng và xếp theo từng khối lớp (6/7/8/9).

HS lớp 7A chỉ học ở đây vào các tiết vật lý, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Thời gian còn lại thì phòng này là nơi học môn Vật lý của tất cả HS trong trường”.

Vừa là phòng học bộ môn, vừa là phòng học truyền thống (như phòng học thông thường ở các trường học khác) nên trang trí trong phòng cũng rất đặc trưng: trên tường, sát cửa ra vào treo ảnh cô giáo chủ nhiệm và tất cả học sinh của lớp; vị trí tương tự ở bức tường đối diện treo bảng thời khoá biểu môn học (phòng vật lý treo môn vật lý, phòng hóa học treo môn hóa học.v.v…), bên trên thời khoá biểu là chiếc đồng hồ, hai bên thời khoá biểu là nội quy phòng học bộ môn và nội quy nhà trường.

Nhờ cách bố trí kết hợp như vậy, mà chỉ với 14 phòng học truyền thống, trường THCS có đủ phòng học bộ môn cho cả 12 môn học: toán, văn, hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Những môn không cần phòng học bộ môn thì HS ngồi nguyên trong lớp của mình để học. Với môn thể dục, những hôm trời mưa hoặc học lý thuyết, nhà trường cũng bố trí sẵn phòng học dự phòng.

Cứ vậy, mỗi lần tiếng trống chuyển tiết học vang lên, HS toàn trường đồng loạt rời phòng học này sang phòng học khác, nơi có GV bộ môn đứng chờ sẵn với đầy đủ thiết bị học tập. Chỉ năm phút thôi là ai đã yên chỗ người ấy.

Hiện thực hóa giấc mơ từ ý tưởng táo bạo

Một trường học có đủ phòng học bộ môn là mô hình trong mơ ước của ngành GD&ĐT nước ta. Tuy nhiên, ở các địa phương, trường nào được xem là tốt cũng chỉ có từ bốn đến sáu phòng học bộ môn và không phải tiết học nào (dù trường có phòng học bộ môn) HS cũng được học ở phòng bộ môn!

Thông thường, những trường có nhiều phòng học bộ môn thường là những trường được đầu tư trọng điểm hoặc ở địa bàn dân cư điều kiện kinh tế thuận lợi (dễ dàng huy động các nguồn lực đóng góp cho nhà trường).

Một trường công lập không thuộc diện trọng điểm đầu tư, không kêu gọi đóng góp được nhiều từ phụ huynh mà tạo được một mô hình nhà trường có đủ phòng học bộ môn như trường THCS Khai Quang quả là xưa nay hiếm. Được như hôm nay, tập thể GV, HS trường THCS Khai Quang ghi nhận công đầu thuộc về cô giáo hiệu trưởng Phùng Thanh Hương.

Giờ ra chơi, chúng tôi bắt chuyện ngẫu nhiên với năm HS lớp 9A Thu, Hoài, Nga, Vân Anh, Hạnh. Một em khoe:

“Cháu chơi với các bạn trường khác, mấy bạn ý ghen tỵ vì trường chúng cháu môn học nào cũng có phòng riêng, tiết học nào cũng được xem tranh ảnh, hoặc thực hành, hoặc học trên mô hình…”; “Cách dạy học của các cô giáo trường cháu làm cho HS hiểu bài nhanh hơn, yêu thích môn học hơn”.

Còn theo cô giáo Hương thì mọi chuyện rất đơn giản. Lúc đầu, một số người tỏ vẻ lo ngại vì họ cho rằng tôi làm đảo lộn mọi trật tự cũ.

Cô giáo Trần Thị Thu (GV hóa, phụ trách phòng học bộ môn trường THCS Quang Khai) kể:

“Từ năm học 2002 – 2003, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai đại trà chương trình sách giáo khoa mới. Vì thế, trường nào cũng được nhà nước đầu tư mua sắm hàng loạt thiết bị dạy học mới. Nhưng các trường mua về rồi…. cất trong kho. Việc mang thiết bị từ kho lên lớp rất lỉnh kỉnh, lại còn di chuyển từ lớp này sang lớp khác.

Chúng tôi còn đùa nhau: “Hay là mỗi GV sắm một đôi quang gánh về để gánh thiết bị lên lớp?”.

Kể từ khi cô Hương về làm hiệu trưởng (năm học 2006 – 2007), cô có sáng kiến biến tất cả phòng học truyền thống thành phòng học bộ môn.

Điều này không chỉ thuận lợi cho GV mà còn đưa GV vào một tình thế bắt buộc phải sử dụng thiết bị khi dạy học. Dạy học có thiết bị quan sát và thực hành tại chỗ, đương nhiên HS rất thích và dễ hiểu bài hơn”.

Quý Hiên