Chuyện lạ ở một trường tỉnh lẻ

Chuyện lạ ở một trường tỉnh lẻ

TP – Cuối tuần qua, khi nghe nói một trường học nghèo ở Vĩnh Phúc có đầy đủ tất cả các phòng học bộ môn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng phải ngạc nhiên và cho biết một ngày gần đây sẽ đến tận nơi để xem thực hư.

Tiết học môn Địa lý của HS lớp 9A (là phòng học truyền thống của HS lớp 7C)

Bình dân không thua hiện đại

Trường THCS Khai Quang nằm trên một quả đồi nhỏ ở ven ô thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Dân cư địa phương chủ yếu là nông dân hoặc người lao động phổ thông, dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn.

Thoạt trông, cơ ngơi trường khá khang trang với hai khu nhà điều hành, hai khu lớp học (hai tầng). Tuy nhiên, quan sát kỹ vẫn thấy phảng phất dấu vết con nhà nghèo.

Mô hình trường THCS Khai Quang là một phát hiện của Dự án THCS II (Bộ GD&ĐT). Tại hội thảo “Chỉ đạo, quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông” tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An vừa qua (Tiền Phong đã có bài phản ánh), Dự án THCS II mời cô giáo Phùng Thanh Hương đến dự để giới thiệu cách làm của trường mình.

Nghe xong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân không khỏi ngỡ ngàng. Phó Thủ tướng nói:

“Nếu đúng như cô hiệu trưởng trình bày thì rất tuyệt vời bởi có đủ phòng học bộ môn là điều mà ngay những trường ở các thành phố phát triển như Hà Nội cũng khó mà làm được, huống chi là một trường nghèo!”.

Phó Thủ tướng còn hứa một ngày gần đây sẽ đích thân đến thăm trường để “mục sở thị” một điển hình mà theo Phó Thủ tướng rất cần được nhân rộng.

Trường được xây đã lâu, phòng học tuy rộng nhưng hành lang hẹp. Cửa sổ, cửa ra vào được làm bằng gỗ tạp và mỏng nên vẹo vọ, các khe hở không khít. Bàn ghế thì hầu hết là đồ cũ, lâu ngày lên nước bóng loáng. Hình hài cũ kỹ như vậy nhưng tất cả phòng học đều là phòng học bộ môn.

Trước phòng học đề “Lớp 7A. Phòng học môn Vật lý”, cô Phùng Thanh Hương, hiệu trưởng, giải thích với phóng viên Tiền Phong:

“Phòng học này giao cho cô giáo chủ nhiệm và học sinh lớp 7A quản lý. Đây cũng là phòng học môn vật lý. Tất cả các thiết bị dạy học môn vật lý của nhà trường được đặt cuối phòng và xếp theo từng khối lớp (6/7/8/9).

HS lớp 7A chỉ học ở đây vào các tiết vật lý, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Thời gian còn lại thì phòng này là nơi học môn Vật lý của tất cả HS trong trường”.

Vừa là phòng học bộ môn, vừa là phòng học truyền thống (như phòng học thông thường ở các trường học khác) nên trang trí trong phòng cũng rất đặc trưng: trên tường, sát cửa ra vào treo ảnh cô giáo chủ nhiệm và tất cả học sinh của lớp; vị trí tương tự ở bức tường đối diện treo bảng thời khoá biểu môn học (phòng vật lý treo môn vật lý, phòng hóa học treo môn hóa học.v.v…), bên trên thời khoá biểu là chiếc đồng hồ, hai bên thời khoá biểu là nội quy phòng học bộ môn và nội quy nhà trường.

Nhờ cách bố trí kết hợp như vậy, mà chỉ với 14 phòng học truyền thống, trường THCS có đủ phòng học bộ môn cho cả 12 môn học: toán, văn, hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Những môn không cần phòng học bộ môn thì HS ngồi nguyên trong lớp của mình để học. Với môn thể dục, những hôm trời mưa hoặc học lý thuyết, nhà trường cũng bố trí sẵn phòng học dự phòng.

Cứ vậy, mỗi lần tiếng trống chuyển tiết học vang lên, HS toàn trường đồng loạt rời phòng học này sang phòng học khác, nơi có GV bộ môn đứng chờ sẵn với đầy đủ thiết bị học tập. Chỉ năm phút thôi là ai đã yên chỗ người ấy.

Hiện thực hóa giấc mơ từ ý tưởng táo bạo

Một trường học có đủ phòng học bộ môn là mô hình trong mơ ước của ngành GD&ĐT nước ta. Tuy nhiên, ở các địa phương, trường nào được xem là tốt cũng chỉ có từ bốn đến sáu phòng học bộ môn và không phải tiết học nào (dù trường có phòng học bộ môn) HS cũng được học ở phòng bộ môn!

Thông thường, những trường có nhiều phòng học bộ môn thường là những trường được đầu tư trọng điểm hoặc ở địa bàn dân cư điều kiện kinh tế thuận lợi (dễ dàng huy động các nguồn lực đóng góp cho nhà trường).

Một trường công lập không thuộc diện trọng điểm đầu tư, không kêu gọi đóng góp được nhiều từ phụ huynh mà tạo được một mô hình nhà trường có đủ phòng học bộ môn như trường THCS Khai Quang quả là xưa nay hiếm. Được như hôm nay, tập thể GV, HS trường THCS Khai Quang ghi nhận công đầu thuộc về cô giáo hiệu trưởng Phùng Thanh Hương.

Giờ ra chơi, chúng tôi bắt chuyện ngẫu nhiên với năm HS lớp 9A Thu, Hoài, Nga, Vân Anh, Hạnh. Một em khoe:

“Cháu chơi với các bạn trường khác, mấy bạn ý ghen tỵ vì trường chúng cháu môn học nào cũng có phòng riêng, tiết học nào cũng được xem tranh ảnh, hoặc thực hành, hoặc học trên mô hình…”; “Cách dạy học của các cô giáo trường cháu làm cho HS hiểu bài nhanh hơn, yêu thích môn học hơn”.

Còn theo cô giáo Hương thì mọi chuyện rất đơn giản. Lúc đầu, một số người tỏ vẻ lo ngại vì họ cho rằng tôi làm đảo lộn mọi trật tự cũ.

Cô giáo Trần Thị Thu (GV hóa, phụ trách phòng học bộ môn trường THCS Quang Khai) kể:

“Từ năm học 2002 – 2003, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai đại trà chương trình sách giáo khoa mới. Vì thế, trường nào cũng được nhà nước đầu tư mua sắm hàng loạt thiết bị dạy học mới. Nhưng các trường mua về rồi…. cất trong kho. Việc mang thiết bị từ kho lên lớp rất lỉnh kỉnh, lại còn di chuyển từ lớp này sang lớp khác.

Chúng tôi còn đùa nhau: “Hay là mỗi GV sắm một đôi quang gánh về để gánh thiết bị lên lớp?”.

Kể từ khi cô Hương về làm hiệu trưởng (năm học 2006 – 2007), cô có sáng kiến biến tất cả phòng học truyền thống thành phòng học bộ môn.

Điều này không chỉ thuận lợi cho GV mà còn đưa GV vào một tình thế bắt buộc phải sử dụng thiết bị khi dạy học. Dạy học có thiết bị quan sát và thực hành tại chỗ, đương nhiên HS rất thích và dễ hiểu bài hơn”.

Quý Hiên

Bình luận về bài viết này